Lá thư #16 | Luyện tiếng Anh với phim "Friends"
Động lực lớn nhất để tôi chia sẻ bài viết này là vì tôi vô cùng thích “Friends” và cũng vì “Friends” thực sự đã giúp tôi tự tin hơn, có hứng thú học tiếng Anh hơn.
Xin chào, bạn thân mến,
Một lời đầu tiên mà tôi cần phải thú nhận ngay với cậu, rằng đây là một tập podcast rất múa rìu qua mắt thợ. Bởi tôi không giỏi tiếng Anh đủ để hướng dẫn ai cả, tôi là một người học bình thường, vẫn đang cố gắng tìm ra phương pháp học tiếng Anh phù hợp với mình. Động lực lớn nhất để tôi làm tập podcast hôm nay là vì tôi vô cùng thích bộ phim “Friends” và vì tôi nhận thấy, “Friends” thực sự đã giúp tôi tự tin hơn, có hứng thú học tiếng Anh hơn.
Vì lẽ đó, tôi rất mong cậu có thể coi tập podcast hôm nay chỉ như cuộc trò chuyện giữa hai người bạn. Có thể giống như là chúng ta ngồi trong một quán cafe ấm cúng, chúng ta đang trò chuyện với nhau về vài điều bình thường trong cuộc sống, và tôi sẽ kể với cậu trải nghiệm của tôi khi luyện nói tiếng Anh với bộ phim “Friends”. Nếu cậu thấy có điều gì đó hữu ích hoặc những gì tôi chia sẻ khơi gợi lên một ý tưởng hay ho, hãy thử áp dụng và kể cho tôi nghe kết quả nhé! Còn nếu cậu thấy có điều gì đó có thể cải thiện để tốt hơn được, xin hãy bình luận cho tôi và bạn đọc của CHUNG được biết.
Điều thứ hai tôi mong được sớm nói với cậu. Rằng, chúng ta cần xác định tâm thế về việc luyện tập tiếng Anh qua phim ảnh. Nó sẽ không mang lại kết quả như cách ta học bài bản. Đó là lý do vì sao, tôi sử dụng từ luyện tập cho nội dung hôm nay, chứ không phải học tiếng Anh. Luyện tập với phim ảnh là bước khởi động đầu tiên để tạo hứng thú, và giúp chúng ta quen với môi trường nhiều Tiếng Anh. Vì thế, chúng ta không nên bắt đầu bằng kì vọng quá cao như là sẽ nói thành thạo hay sẽ sử dụng tốt tiếng Anh... đây cũng là một sai lầm mà tôi sẽ kể với cậu ở đoạn tiếp theo. Còn bây giờ, mong cậu có thể giữ tinh thần thoải mái, cởi mở, trước nhất là tận hưởng bộ phim hay như “Friends”, sau đó là học hỏi để mình tiến bộ hơn!
Từ phụ đề song ngữ, đến không phụ đề
Vừa rồi, tôi có nhắc đến sai lầm khi mới bắt đầu xem “Friends”. Đó là đặt ra mục tiêu không thích hợp. Lúc ấy tôi nghĩ - bởi vì mình xem để học, nên cần phải yêu cầu bản thân cao một chút, bắt đầu từ việc xem không phụ đề. Tuy nhiên, trình độ của tôi không đủ giỏi để nghe hiểu trọn vẹn nội dung tập phim và khi không hiểu thì không thể hoà nhập với câu chuyện của 6 người bạn. Rất nhanh sau đó, tôi mất hứng thú và bỏ cuộc. Thêm nữa, khi tôi ép bản thân phải đạt được một lợi ích khi xem phim, não tôi liên tục căng thẳng vì phải cố nghe và nhớ. Ngày nào tôi cũng chỉ xem được 1 tiếng là đau đầu.
Tôi nhớ lần đầu tiên xem “Friends” là năm 2020 sau đó, tôi bỏ ngang, hầu như không hiểu và không nhớ được bất kì điều gì. Đến giữa năm 2023 tôi xem lại. Lần này tôi cho phép mình xem phụ đề. Lúc này, tôi đã thay đổi mục tiêu từ việc phải học Tiếng Anh sang việc hoà nhập với bộ phim, để tạo sự hứng thú và tiếp xúc tiếng Anh cho quen trước.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là tôi xem bằng phụ đề song ngữ. Tôi sử dụng một Tiện ích trên Google Chrome có tên là “Language Reactor”.
Thời gian đầu tôi vẫn mải đọc phụ đề tiếng Việt, nhưng nhờ “Language Reactor” mà tôi đạt được hai điều: 1 là nhận biết nghĩa của một số từ hay gặp, 2 là quen với bộ phim và dần yêu thích bộ phim, quá trình xem phim trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ, không còn bị đau đầu nữa.
Sau khi xem hết 10 phần, bởi vì đã quá yêu thích bộ phim, nên tôi xem lại ngay lập tức. Ở lần thứ 2 và thứ 3, tôi xem bằng phụ đề tiếng Anh. Đến lần thứ 4, tôi xem không phụ đề. Phải thú nhận với cậu rằng, mỗi một lần nâng độ khó lên, tôi lại trở về vạch xuất phát, cứ như mình chưa từng biết 1 chữ tiếng Anh nào. Nhưng đây thực sự là bộ phim quá hay, để tôi sẵn lòng vượt qua khó khăn ấy, tiếp tục kiên trì xem không ngừng nghỉ. Đến bây giờ, nửa năm đã qua, tôi quen thuộc với tiếng Anh hơn rất nhiều, và tôi bắt đầu thử thách bản thân bằng cách xem một số bộ phim khác không phụ đề. Tuy vẫn còn khó khăn để thưởng thức được trọn vẹn một tác phẩm, khi mình chưa nghe được hết câu thoại, nhưng quá trình nghe tiếng Anh đã không còn khiến tôi bị mệt nữa. Đối với tôi, đây là tiền đề cực kì quan trọng để tôi tiếp tục tự học Tiếng Anh sau này. Vì thế nên, tôi hi vọng, cậu cũng sẽ tìm được niềm hứng thú học hành, thông qua niềm yêu thích, đam mê hoặc một mục tiêu liên quan đến Thần tượng của cậu chẳng hạn. Dù không phải là Friends, thì cũng sẽ là một điều đặc biệt đối với cậu!
Viết lại những câu thoại yêu thích
Bạn thân mến,
Có rất nhiều lần, câu thoại trong phim chính xác là điều tôi muốn nói với người khác, nhưng chưa biết diễn đạt thế nào. Vì tôi sợ mình quên mất thì lãng phí quá, nên tôi quyết định mua một cuốn sổ và ghi lại câu thoại để học thuộc. Lúc ấy, tôi không biết, việc mình làm lại giúp ích rất nhiều cho quá trình luyện tiếng Anh sau này.
Cậu có thể thấy, ban đầu, tôi vẫn ghi chép rất cơ bản. Nhưng rồi, tôi thay đổi phương thức hiệu quả hơn là chia trang giấy làm 2 cột. Cột bên trái ghi câu thoại, cột bên phải ghi một số từ mới và định nghĩa Anh - Anh. Việc sử dụng định nghĩa Anh Anh có hiệu quả hơn so với việc ta dùng trực tiếp Anh Việt. Ban đầu có thể sẽ khó để hiểu định nghĩa bằng tiếng Anh, nhưng dùng một thời gian cậu sẽ thấy quen thuộc và dễ dàng hơn. Định nghĩa bằng tiếng Anh giúp tôi hiểu được nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, cũng như, quan trọng hơn là sắc thái của từ đó, nó ám chỉ sắc thái tích cực hay tiêu cực, hay trung lập, như vậy ta sẽ sử dụng từ đúng đắn hơn.
Khi đặt vào trong trường hợp cụ thể thì chúng ta chỉ cần biết 1 nghĩa, nhưng khi học từ mới, tôi nghĩ, mình cứ biết được càng nhiều nghĩa thì mình sử dụng nó càng linh hoạt.
Đọc lớn thành tiếng và áp dụng Shadowing
Đối với tôi, việc viết lời thoại phim vẫn không đủ để nhớ. Bởi vì trong một ngày, chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều thông tin khác, như là deadline, đọc sách, đọc báo, vân vân. Thêm vào đó, là môi trường của tôi không có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh nhiều. Tôi hầu như chỉ ngồi đọc, hay đôi khi là viết email mà thôi. Thời gian đầu, tôi mân mê cuốn sổ ghi lời thoại và cố gắng đọc đi đọc lại. Sau này, nâng cấp hơn một chút, tôi cố nhớ giọng điệu của nhân vật khi nói câu thoại ấy, rồi bắt chước theo. Đây là phương pháp “Shadowing”, và tôi thấy nó có hiệu quả.
Trước đây, tôi nói tiếng Anh như đọc, tức là không có tông giọng, nhịp điệu gì hết. Nhưng nhờ luyện shadowing, câu nói hằng ngày trở nên mềm mại hơn. Khi quen dần, tôi thấy không còn giống là tôi chỉ đang đọc tiếng Anh, mà nó thực sự là nói Tiếng Anh.
“Shadowing” nhiều lần, tự nhiên tôi thấy mình nói trôi chảy hơn rõ rệt. Tôi nghĩ, khi mình còn là người mới học, mình cứ cố gắng học thuộc, học cho nhuần nhuyễn cái có sẵn. Qua thời gian, chúng ta tiếp tục học các kĩ năng khác, dần dần ta sẽ biết cách bày tỏ bản thân, chia sẻ những điều mình nghĩ một cách thoải mái hơn. Thế nên, mong cậu đừng sốt ruột nhé!
Ứng dụng vào đời sống
Bước này không còn gắn liền với “Friends” nhưng tôi thấy cần thiết. Bởi sự hứng thú với “Friends” như một nền tảng, giúp tôi không còn chán nản hay sợ nói tiếng Anh nữa. Ngoài lúc tập với “Friends”, tôi cũng tự tập nói về một ngày của mình bằng tiếng Anh. Có từ nào học được từ “Friends”, tôi sẽ sử dụng. Khi thực hiện bước này vẫn còn rất khó khăn, bởi vì tôi không có nhiều ý tưởng và từ vựng, nhưng làm được một vài ngày, đoạn độc thoại của tôi cũng đã dài dần ra, dù chưa tốt bằng ai cả, nhưng tôi tự tin là tốt hơn chính bản thân mình rồi.
Lời kết
Bạn thân mến,
Những bước khởi đầu rất nhỏ như vậy đã giúp tôi từ một người siêu bế tắc với việc học tiếng Anh, không thể tìm được gia sư phù hợp với trình độ lưng chừng của mình, đến bây giờ là cảm thấy hứng thú, vui vẻ để tiếp tục tìm kiếm phương pháp học tiếng Anh thích hợp. Hiện tại, tôi vẫn duy trì xem “Friends” mỗi ngày 2, 3 tập vào lúc thư giãn. Thời gian khác, tôi thử nghiệm những công cụ và cách thức học tiếng Anh bài bản hơn. Mong rằng, trong một tương lai không xa, tôi có thể đạt cột mốc mới trên hành trình học tiếng Anh của mình và lúc đó, nếu cậu không chê, tôi sẽ lại xin được làm video khác để kể thêm trải nghiệm của mình.
Thương gửi cậu,
Từ Thu.
Theo dõi những nội dung khác của CHUNG tại:
Instagram: https://www.instagram.com/chung_withu/
Youtube: https://www.youtube.com/@chungwithu