Cảm nhận về cuốn sách "Tiếng Rền Của Núi"
Mong cho ai cũng có một chuyến tàu đi xuyên qua những đau thương và vụn vỡ… Nếu phải gánh vác những trọng trách nặng nề, thì mong ta được trên chuyến tàu chở niềm vui.
Tôi đọc “Tiếng Rền Của Núi” trong sự tò mò: “Điều gì sẽ giúp tác phẩm này chinh phục người đọc nhỉ?”. Bởi thú thực, nửa đầu cuốn sách dễ khiến tôi buồn ngủ và những câu chuyện trong đó cứ trôi qua tâm trí tôi như một đám mây mỏng manh lửng lơ. Tổng thể nội dung được giới hạn trong một số nhân vật nhất định, không gian cũng hạn chế, nhiều yếu tố xuất hiện một cách ẩn dụ, ý nhị đến mức tôi tưởng như mình đã hiểu, rồi lại chẳng hiểu thế nào…
Chợt một khoảnh khắc, tôi ngừng cố gắng tìm kiếm ý đồ của tác giả đằng sau những con chữ, và quyết định đón nhận cuốn sách một cách chậm rãi và cởi mở như chính nhịp độ của nó. Quyết định này tạo điều kiện cho tôi cảm nhận được câu chuyện nhiều hơn, dần bắt được sợi chỉ đỏ gắn kết các chi tiết trong sách với những chi tiết trong cuộc sống của chính mình. Tôi thực sự thấy tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn, sâu sắc hơn rất nhiều, khiến lòng tôi cứ vương vấn mãi không quên, sau khi đã đọc xong.
Bạn thân mến,
Tập podcast này không theo một nguyên tắc nào cụ thể. Nó rất đơn thuần là sự kết nối của cuốn sách với tâm tư của tôi, nhiều phần cá nhân và lộn xộn, nhưng vẫn mong cậu có thể dành chút thời gian lắng nghe và trò chuyện cùng tôi về cuốn sách “Tiếng Rền của Núi”. Nếu khi chúng ta trò chuyện với nhau, cậu được khơi gợi một ý tưởng hay cảm xúc tích cực nào đó, xin hãy lưu tâm đến chúng. Điều đó thực sự quan trọng đấy.
Tiếng than bất lực
“Chúng ta đã ra nông nỗi nào rồi!” - ông Singo rên lên.
Là một người chủ gia đình, ông Singo lại không thể làm chủ được những chuyện diễn ra dưới mái nhà của mình.
Ông không thể thu xếp xích mích của vợ chồng con gái. Ông không thể làm gì để hàn gắn tình cảm vợ chồng người con trai. Ông không thể lay chuyển quyết định mà cô tình nhân của con trai đã đưa ra. Ông cũng đã cố gắng làm những gì có thể, nhưng cố gắng ấy trong mắt người thân chỉ là sự trì hoãn, bị động và vô ích. Để rồi, chẳng một ai thấu hiểu đằng sau tiếng rên ấy là một tâm tư phức tạp. Nó chứa sự thất vọng sâu sắc về cuộc sống hiện tại. Dưới lớp vỏ là câu hỏi, tiếng rên như lời cảm thán đầy hoài nghi và còn có cả sự hoài niệm… Có lẽ, một khoảng thời gian nào đó trong quá khứ, gia đình ông Singo từng tốt đẹp như ông mong muốn.
Đối diện với sự bất lực tới bức bối ấy, tôi không thể phẫn nộ với ông Singo như người vợ, người con gái vẫn làm. Lòng tôi trùng xuống, đón nhận tiếng rên não nề ấy như chịu đựng một cú va chạm rất mạnh trong cảm xúc. Tôi cũng thấy bất lực…
Bởi đây là Chuyện Nhà mà.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh … Dù qua bao nhiêu thế hệ, dù thế giới có biến đổi ra sao, câu thành ngữ này vẫn đúng. Mỗi gia đình sẽ luôn có một câu chuyện riêng, mà người ngoài gần như không hiểu vì sao nó có thể phức tạp đến vậy. Phức tạp đến mức lạ lùng. Đúng vậy, đời thực chính là như vậy, đời thực - luôn có thể lạ lùng hơn cả giấc mơ.
Bởi vì… Không phải gia đình nào cũng đong đầy yêu thương, không phải ai cũng nương tựa được vào gia đình.
Dưới mái nhà cao lớn, luôn có thể tồn tại…
Những lời nói dối
Sự im lặng
Cô đơn
Chúng tạo ra những rạn nứt trong mối quan hệ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em.
Cá nhân tôi nghĩ rằng… Trong gia đình có tồn tại vô vàn sự bất lực… bởi vì ta không bỏ được gia đình mình. Lý trí chỉ lối cho ta - Làm điều này sẽ đúng đắn, làm điều kia sẽ hợp lí… Nhưng ta biết vậy mà không làm được vậy. Có điều gì đó khiến cơ thể cứ nặng trĩu như đeo chì, mỗi ngày chỉ biết chịu đựng qua đi.
Mối quan hệ gia đình mờ mịt như màn sương dày đặc - tôi nghĩ.
“Cả hai trường hợp chưa phải là đã có lối thoát hoàn toàn, mà chỉ là sự yên ổn tạm” thời - nhà văn Kawabata Yasunari viết như vậy.
Giấc mơ của ông Singo
Tản mác trong cuốn sách, nhà văn vẫn từ tốn kể về giấc mơ của ông Singo. Những giấc mơ không đầu cuối, khi tỏ, khi mờ nhưng đầy lôi cuốn với tôi. Đôi ba giấc mơ về một cô gái không rõ mặt, về quả trứng, về ngôi nhà,… thu hút tôi vào thế giới mộng mị, đầy lưu luyến. Những giấc mơ là chiếc rương chất chứa những tiềm thức ông chưa bao giờ thực sự thấu hiểu
Tôi thì không hiểu hết ý nghĩa của những giấc mơ đó, nhưng tôi biết, giấc mơ là một trong những cách để tiềm thức thể hiện niềm khao khát của riêng nó mà không phải e sợ bất kì sự phán xét hay quy chuẩn nào của người đời.
Có những giấc mơ của ông khiến tôi hơi chột dạ. Ý tôi là, nếu tôi là người miêu tả về chúng, lời văn vụng về của tôi có thể sẽ biến những giấc mơ ấy trở nên tầm thường, nhưng qua lời văn của tác giả, nó hiện lên một cách ý nhị, tinh tế. Chúng thuyết phục ta hiểu, và đồng cảm với chúng bằng chính trải nghiệm và cảm xúc của riêng mình. Xét cho cùng thì, tôi cũng nghĩ rằng - Trong con người mình tồn tại nhiều góc khuất tôi chưa bao giờ biết tới.
Cậu biết không,
Có một thời gian, tôi cũng hay mơ trong giấc ngủ trưa ngắn ngủi. Những lần mơ ấy khiến tôi khóc đến nghẹt thở. Ước nguyện của tôi đang dần mất đi trong sự thất vọng với đời thực. Nếu tôi được biết nhiều hơn về những giấc mơ của mình như cách ông Singo biết về những giấc mơ của ông.
Liệu chăng, tôi có tìm lại được chúng không?
Liệu chăng có một phương thức khác để tôi không phải chuyển các dự định từ nhóm “Đang thực hiện” sang nhóm “Trì hoãn vô thời hạn”?
Liệu chăng, tôi có thể thoát được khỏi cảm giác đau nhói và không cam tâm.
Ngày ngày trên một chuyến tàu
Hình ảnh về chuyến tàu đưa ông Singo đi làm mỗi ngày là chi tiết còn đọng lại trong tâm trí tôi khi cuốn sách đã kết thúc. Chuyến tàu mà ông đi đã nhiều năm, lặp đi lặp lại nhưng vẫn luôn có những điều mới xảy đến, đôi cây thông vươn mình ôm lấy nhau, cuộc tranh cãi với người con trai Suichi, suy tưởng về sợi dây tình phụ tử giữa hai người xa lạ mà ông gặp trên tàu,… Những chuyến tàu chính là chiếc rương thứ hai cất giữ tâm tình riêng tư của ông Singo.
Chúng ta thường sẽ chẳng mấy khi trân trọng những điều quen thuộc, nhưng nếu để tâm môt chút như cách ông Singo vẫn làm, thì ta vẫn luôn có thể thấy được nhiều điều mới mẻ đến mức kì diệu. Tiếc là tâm tư bối rối của ta nhiều lần đã để lỡ cơ hội được tận hưởng trọn vẹn từng niềm vui đến với mình.
Mong cho ai cũng có một chuyến tàu đi xuyên qua những đau thương và vụn vỡ… Nếu ta phải gánh vác những trọng trách nặng nề, thì mong ta được đứng trên chuyến tàu chở niềm vui.
Sống như mình mong muốn
Các con đẻ của ông - máu và thịt của ông, thì lại không được như ông hằng mong muốn. Cái quan trọng nhất là chúng không có khả năng sống được như chính bản thân chúng muốn và điều đó đã khiến cho gánh nặng của mối quan hệ máu mủ trở nên không chịu đựng nổi.
Khi đọc đến lần thứ hai, tôi mới chú ý tới đoạn trích này, và đặc biệt để tâm vào cụm từ “Sống như chính bản thân chúng muốn”. Chúng đặt trong mối liên hệ với gia đình, nó trở nên khó hoà hợp. Gia đình, phải chăng nên là một đôi cánh giúp ước mơ bay cao, nhưng có những gia đình là gọng kìm kéo chìm ước mơ của một người.
Tôi sắp bước sang tuổi 30, và thực sự cảm thán rằng… đến độ tuổi nào đó, ta sẽ đều sẽ phải gác qua một bên sự nghiệp, ước mơ, vui thú riêng của mình, để trở về nhà và thực hiện những trách nhiệm mình đã mang ngay từ khi sinh ra. Những biến cố ở thời điểm ấy sẽ xé rách lớp mặt nạ bình thường phủ lên cuộc sống, ta cảm nhận được sự tương phản gay gắt của giàu và nghèo, được và mất, yêu thương và căm hận.
Cuộc đời bình thường tưởng như vô hạn, chợt biến cố xảy đến khiến ta nhận ra tất cả đều hữu hạn.
Lời kết
Bạn thân mến,
Tôi không chắc mình có thể gợi ý cuốn sách này cho riêng ai. Thay vì vậy, tôi nghĩ, cuốn sách này có thể là một sự thử nghiệm của việc đọc sách. Nó sẽ đưa cậu vào một thế giới nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc, xoáy rất sâu vào những rung động con người nhất, thậm chí là khía cạnh bản năng nhất mà chúng ta chẳng đủ dũng khí thừa nhận…
Tôi hi vọng rằng, cậu sẽ đọc cuốn sách với tấm lòng rộng mở và luôn bao dung. Chắc chắn cậu sẽ cảm nhận được những điều đẹp đẽ ẩn sâu trong con chữ đẹp đẽ của tác giả…
Thương gửi cậu,
từ Thu
Theo dõi những nội dung khác của CHUNG tại:
Instagram: https://www.instagram.com/chung_withu/
Youtube: https://www.youtube.com/@chungwithu