Cuốn sách "Quân Khu Nam Đồng"
Một cuốn sách về Tuổi trẻ, Hà Nội thời bao cấp và chiến tranh.
Xin chào bạn thân mến,
Khi mở ra trang sách đầu tiên, tôi đã có sẵn hình dung trong đầu mình về một doanh trại quân đội ở tiền tuyến, nơi có những người lính trẻ trung, nhiệt huyết, có những chuyến hành quân, sốt rét, đói ăn, những đêm ca hát bên bếp lửa, có tiếng cười nói, cãi lộn, có những cơn đau không dứt và có những ngọt ngào của tình yêu tuổi đôi mươi. Nhưng hoá ra đều không phải.
“Ở nước mình chỉ có sáu Quân khu do bác Hồ ký sắc lệnh thành lập là Quân khu Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tả Ngạn, Hữu Ngạn và Quân khu 4, ai cho phép lập ra “Quân khu Nam Đồng”?
Hoá ra cái tên “Quân Khu Nam Đồng” chứa đựng câu chuyện hoàn toàn khác.
Không phải về tiền tuyến, mà là về hậu phương.
Không phải câu chuyện của những người lính dũng cảm can trường, mà là về những người con, người em của họ.
Không phải nơi trận địa gian khổ, mà là ở giữa thủ đô Hà Nội… cũng gian khổ không kém. Cụ thể ở đây là khu gia binh lớn nhất Hà Nội những năm 1960, 1970 - Khu tập thể Nam Đồng.
“Quân Khu Nam Đồng” đưa tôi về với một thời bao cấp, khi xã hội chưa ổn định vì “tất cả hướng về tiền tuyến”, đến với cuộc sống rực rỡ và ngang tàn của những thanh niên 16 tuổi lưng chừng trưởng thành.
Con người thời này nghèo khó và thiếu thốn. Người lớn phải làm mọi thứ để thêm thực phẩm cho bữa ăn, rồi lo chuyện binh pháo. Con trẻ cứ thế lớn lên một cách tự do. Họ là những ngọn cây tự do và hoang dã. Một mặt, tố chất của họ thông minh, dũng cảm, vô tư, đoàn kết với nhau, nhưng mặt khác cũng chính là họ mang theo sự bất trị, ngang tàn và… cả sai trái.
Tuổi trẻ của họ như ánh nắng chói chang buổi trưa hè, bỏng rát đến mức không thể quên. Trong đó là dư vị của tình bạn, tình yêu, của gia đình, và cả tình yêu Tổ Quốc.
Lâu lắm rồi tôi mới đọc cuốn sách vui như vậy, vừa đọc vừa cười khúc khích, vừa đọc vừa phải để dành vì sợ hết.
Quả thật, cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn nhưng lại có thể giàu có về niềm vui và sự đoàn kết. Nói như trong sách thì sau này người ta nhớ về nhau những lần đi đổ dế, vặt chân gà, chứ ai nhớ điểm kém bao nhiêu. Vậy nên ngày nào cũng có thể vui như Tết.
Bạn thân mến,
Tôi nghĩ, nếu chọn 2 từ để giới thiệu về “Quân Khu Nam Đồng”, tôi sẽ chọn: Chân thật và lạc quan.
Cái hay của cuốn sách, trước hết là sự chân thật. Đúng chất văn của người lính, họ thậm chí chẳng giống đang viết văn, mà giống như đang ngồi lại và chậm rãi kể ta nghe về cuộc đời họ.
Cuộc đời ấy có vô vàn chuyện tích cực, hài hước, cũng không thiếu chuyện tiêu cực, đáng buồn, đáng tiếc đến rơi nước mắt. Nhưng qua lời văn giản dị, mọi chuyện cứ nhẹ bẫng như không.
“Quốc Tẩm và Hoàng không đi đá bóng. Hai đứa phát hiện Mai Hương và Mai Liên lên nhà Việt. Chúng liền bê xe của hai nàng từ Nhà 3 qua Nhà 5, treo lên ngọn cây”.
“Chúng tôi đánh anh chứ có ăn cướp dép của anh đâu. Lần sau anh ăn đòn xong nhớ đứng lại nhặt dép, đừng để tôi phải làm thằng xách dép cho anh”
Hình ảnh của những chàng trai, cô gái trẻ thời ấy được khắc họa một cách rõ nét và trở nên quen thuộc đến lạ. Bởi đâu đó, tôi từng nghe chú, bác, cô dì trong gia đình, kể về thời trẻ cũng y như vậy, đi lội sông, đánh nhau, “phá làng phá xóm” theo cách mắng của người lớn. Thông qua “Quân Khu Nam Đồng”, bỗng nhiên tôi được hiểu thêm về thời của cha mẹ mình.
Điều thứ hai, tôi quá đỗi yêu mến cuốn sách là sự lạc quan.
“Việt cho rằng, một khi đã chọn đường, phải có niềm tin và vững bước tiến lên, nếu không thấy vực thẳm trước mặt, đừng bàn chuyện quay lại.”
“Khó khăn là cái để mình vượt qua chứ không phải để than thở”
“Quê hương mình, mình đến tuổi trưởng thành, không cầm súng về giải phóng, còn trông cậy vào ai nữa?”
Có nhiều đoạn tôi không nhịn được cười khoái chí, sao họ hài hước thế, sao suy nghĩ của họ lại hay ho, khác biệt đến thế.
Thế nhưng cậu biết không, đến khi gấp cuốn sách lại, tôi ngẫm nghĩ rồi nhận ra, nụ cười của mình thực ra cũng bày tỏ muôn kiểu cảm xúc theo suốt hành trình của “Quân Khu Nam Đồng”. Khi thì cười vui vẻ, thoải mái, cũng có khi là cười mãn nguyện, lại đôi khi là cười cảm thông, tiếc nuối… Mãi đến hôm nay viết lại những dòng này, tôi mới thấy vi diệu… Hoá ra, cuộc đời của ai đó luôn chứa đầy cung bậc cảm xúc như thế, dù họ có viết lại theo cách lạc quan đến đâu.
Chỉ tiếc là… Thời thế thế thời, thời phải thế. Ở đoạn tiếp theo sau đây, tôi sẽ hơi tiết lộ nội dung cuốn sách, nên cậu có thể cân nhắc lướt qua nhé…
Tôi đã đắn đo rất nhiều khi viết tiếp, nhưng tôi cũng sợ, sẽ là không thành thật với cảm xúc của mình nếu không viết về đoạn cuối của cuốn sách này.
Thực ra, cũng rất tự nhiên thôi, tôi cứ men theo những con chữ, dần bước vào giai đoạn khi các nhân vật tròn 18 tuổi. 18 tuổi nghĩa là chiến tranh xuất hiện trong cuộc đời họ.
Lần lượt các chàng trai xung phong đi lính. Dáng hình đáng sợ của chiến tranh hiển hiện càng lúc càng rõ nét ở đoạn cuối cuốn sách. Quân khu dần chia tay nhau, ban đầu là 3, 4 người, sau lại thêm 5, 6 người, sau là tất cả mọi người, mỗi người một nơi.
Càng đọc đến cuối, tôi càng hồi hộp, tò mò. Rồi tình bạn, tình yêu, tình đoàn kết của quân khu Nam đồng sẽ về đâu? Có kỳ tích nào cho họ khi mây đen chiến tranh đã phủ tới không nhỉ?
Thực ra là không, mà cũng không hẳn. Ngay cả những lời văn từng tưng tửng, nhẹ bẫng ban đầu cũng dần bị nhuốm màu tăm tối. Chiến tranh thật đáng sợ, nó phủ lên những chương cuối cùng 1 màu khói lửa, bom đạn và chia ly. Dù tôi biết, hoà bình lập lại, trời lại quang, mây lại tạnh, những đau thương sẽ lùi xa về dĩ vãng, nhưng biết vậy chăng nữa, thì tôi vẫn khóc rũ khi đọc 2 chương cuối cùng. Bởi tiếc nuối, bởi quá đau lòng và xót xa.
Tôi từng ví họ như những cái cây tự do ấy, cho đến dấu mốc năm 1975, những cái cây ấy đã có thể mạnh mẽ vươn lên và sống tiếp với một số phận riêng. Có cây thực sự đã kiên cường sống tốt, có cây tồi tàn rồi trượt dài trong bóng tối, lại có cây đang lưng chừng nhựa sống thì ngã gục.
Trong cuốn sách này, chiến tranh không hiện lên một cách trực tiếp, nhưng vẫn rất rõ nét qua nhịp sống hối hả của người dân Hà Nội và qua những biến đổi của xã hội thời ấy.
Cuốn sách không diễn tả về thời đạn bom hào hùng mà đầy đau đớn của Việt Nam, nhưng không ai không hiểu…
“Chiến tranh là vậy. Ngày về rợp bóng cờ hoa, cũng là ngày vắng bóng những người đã ngã xuống”
Chúng ta có thể nói hàng nghìn lần rằng chiến tranh tàn khốc, chiến tranh phi nghĩa, nhưng chúng ta vẫn choáng ngợp trước sự tàn khốc của chiến tranh khi nhìn dấu vết hằn in trên những con người thật sự.
Và thực ra, là người trẻ lớn lên khi chiến tranh đã qua, tôi nghĩ, ta sẽ không bao giờ hiểu thấu được. Chẳng ai thực sự hiểu điều gì nếu không phải tự mình trải qua. Vậy nên chỉ có thể giữ lòng trân trọng mãi mãi, trân trọng quá khứ hào hùng đã qua và luôn biết ơn những người dành cả cuộc đời, tuổi trẻ để mỗi chúng ta được sống bình an như hôm nay.
Lời kết
Không ít lần, những cuốn sách tôi đọc vô cùng ngẫu nhiên thôi, lại là tấm gương cho tôi soi chiếu bản thân mình, tự thấy hổ thẹn vì mình vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần sửa đổi.
Giống như trong “Quân Khu Nam Đồng”, tôi trân quý khao khát sống của mỗi người Việt ta thời chiến tranh ấy.
Đứng trước sự sống và cái chết, người ta chỉ cố gắng sống thôi, nghèo khổ, đau đớn mấy cũng phải sống.
Tuổi trẻ rực rỡ ấy sao phải buồn phiền, khi ta luôn có thể sống thật mạnh mẽ và hết mình, có thể mang theo trái tim nhiệt huyết đầy ắp tình yêu và tiến về phía trước.
Như những chàng trai “Quân Khu Nam Đồng” nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung, họ bước ra chiến trường với tình yêu và tuổi trẻ. Cho tới hàng chục năm sau gặp lại, họ vẫn có thể khóc vì một thời hào hùng đã qua.
Xin cảm ơn vì tất cả!
- một bài viết của CHUNG.