Cuốn sách "Điểm đến cuộc đời" - Tg. Đặng Hoàng Giang
“Sự sống” sẽ như nắm cát, dần dần trôi tuột qua tay. Điều duy nhất còn đọng lại chính là “ý nghĩa sống”.
“Sự sống” sẽ như nắm cát, dần dần trôi tuột qua tay. Điều duy nhất còn đọng lại chính là “ý nghĩa sống”.
“Điểm Đến Cuộc Đời” kể hành trình của những người cận tử, khi họ dần tiến gần hơn về phía “Cái Chết”. Sự tồn tại của họ rất đỗi đời thường, đời thường tới mức ta thấy mình đâu đó trong cuộc đời họ, là bối cảnh, tính cách, là tuổi đời,...
Và cũng chính vì sự đời thường ấy nên sẽ không có điều kì diệu nào xuất hiện để hoá giải đau đớn về thể xác, hay lấp đầy tổn thất trong tinh thần. Cho tới mãi sau này, người thân của họ cũng không thể nào tìm được chiếc “chìa khoá” mở ra cánh cửa của sự lãng quên.
Khi đọc xong cuốn sách đặc biệt này, “người nhận” được nhiều nhất là độc giả chúng ta.
Ngược lại với thực tế đầy mất mát, chúng ta có cơ hội cảm thấy tâm hồn mình đủ đầy hơn. Bởi thêm một chút dũng cảm đối diện với “bóng ma lập lờ” về cái chết… một chút biết ơn trong thực tại rối ren đang xảy ra… một chút thương yêu với cuộc đời bình thường này; và còn vô vàn xúc cảm khác, mà mỗi chúng ta sẽ cảm nhận được theo cách riêng của mình.
Những người cận tử trong “Điểm Đến Cuộc Đời”, dường như, đã dành sức bình sinh cuối cùng để lưu lại ý nghĩa của “Sự Sống” – thứ vốn hữu hạn mà thường bị quên lãng. Câu chuyện của họ được lật mở chậm rãi và thấm thía. Đó là…
Nam – Cậu bé 7 tuổi, cứ thế đi qua sự sống cùng sự đồng hành của mẹ Hà. Trong một khoảnh khắc, Nam chợt gọi mẹ và nói: “Mẹ ơi, con cám ơn mẹ”. Mẹ Hà cũng mỉm cười hồi đáp – “Mẹ cũng cảm ơn con”.
Liên – Cô gái 27 tuổi với tình cảm tha thiết cho cuộc đời, đã tìm ra sứ mệnh của riêng mình: “Em sống là để nhắc nhở người khác biết là họ may mắn, và qua đó cho họ động lực để sống tốt hơn”.
Vân – Người phụ nữ trẻ, mẹ của 2 cô con gái nhỏ, từng ngày, từng giờ phải chịu đựng nỗi đau đớn khôn xiết. Cô cảm nhận được “Nó” đang lan ra khắp tấc da thớ thịt, “Nó” đang rõ nét đến mức không thể tiếp tục né tránh thêm nữa. Câu chuyện của Vân dài và chứa nhiều điều khiến trái tim ta hụt hẫng.
Bởi ngoài sự ngoan cường của cô, thì ở đây còn có nỗi đau của cha mẹ, chồng và con cái cô; còn có nỗ lực không dừng lại của các bác sĩ. Chỉ tiếc là điều kì diệu không xuất hiện nơi đoạn kết của hành trình sống.
Đứng trước cái chết, sự sống cũng như nắm cát qua tay.
Tồn tại của “cái chết” là thứ chúng ta thường né tránh và sợ hãi.
“Nó” vô thường, bất định. Chúng ta không có đủ khả năng để biết giới hạn mình có. Như Nam, ngày hôm trước vẫn còn có thể đi đá bóng; hay Liên sau một lần hoá trị đau đớn, vẫn có thể tiếp tục đi làm, cống hiến cho cuộc đời thêm nhiều tháng sau đó.
“Nó” rõ nét, chân thực trong từng cơn đau đớn khắc vào xác thịt của những người cận tử, nhưng đồng thời, nó cũng rất đỗi mơ hồ như làn sương mờ ảo khi họ luôn cảm giác không thể làm chủ cơ thể của mình.
Có lẽ có một điểm chung tồn tại ở cả Nam, Liên và Vân… Sau tất cả những uất ức, sợ hãi, và cả tuyệt vọng, thì sự bình lặng và tự do đến với tâm trí họ như một cách để tiếp tục sống, dù chỉ còn lại ít ngày tháng nữa thôi. Họ như thể những bông hoa kiên cường đâm chồi và nảy nở giữa hố đen bất tận.
Chính sự tồn tại của cái chết đã làm tăng tương phản với sự sống, để chúng ta nhận diện sự sống đang tồn tại và biến hoá thế nào trong từng phút giây. Chẳng qua chúng ta đã quá đỗi quen thuộc với sự sống, nên vô tình bỏ qua việc khiến sự sống trở nên tốt đẹp hơn.
Đọc về cái chết để biết rằng sự sống là hữu hạn, việc của chúng ta không phải cố kiểm soát mọi thứ, mà là cố làm tốt trong mọi thời điểm.
“Giá trị của cái chết là giục giã chúng ta sống một cuộc sống có ý thức”
Thực ra, chúng ta không có quyền để lựa chọn việc “sống” hay “chết”.
Mỗi chúng ta, có lẽ không phải tất cả mọi người, nhưng ai ai cũng đều mang theo vết thương bị gây ra trong quá trình trưởng thành. Có khi nào, một suy nghĩ thoáng quan khiến cậu cảm thấy, cái tâm hồn chằng chịt vết thương này tạo thành nỗi tuyệt vọng và sự lạc lõng?
Không còn tìm được lý do để thức dậy vào ngày mai nữa, vậy thì tiếp tục làm gì?
“Trầm cảm” – một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên các vụ tự tử,… Nhưng bạn thân mến ơi, KHÔNG! Chúng ta không có quyền lựa chọn giữa “sống hay chết”.
Biết sao không? Cậu muốn chết là bởi vì cậu đang ướm các tổn thương lên “sự sống”. Vì vậy mà cậu thấy sự sống thật là tan tác và rách nát. Nhưng đọc “Điểm Đến Cuộc Đời”, nhìn thấu sự tồn tại của cái chết và khao khát được sống của những người cần tử mà xem, cơn đau của chúng ta thực sự có thể cứu chữa được… Xin hãy tin tôi.
Bởi rằng…
Đứng trước cái chết, chúng ta khao khát được sống nhiều hơn khả năng ta có thể.
Niềm khát khao được sống
Mơ ước của Nam là các bác sĩ sẽ tiếp tục chữa bệnh cho mình. Cậu chấp nhận chịu đau, chỉ cần bác sĩ đừng dừng thuốc, đừng trả cậu về nhà.
Khao khát của Liên là cố sống thêm 3 tháng để được thấy đứa cháu ruột sinh ra đời, rồi lại hi vọng có thêm 3 tháng nữa để được ăn cái Tết. Nhưng cái đầu tiên thì thành, cái thứ 2 thì quá xa xỉ.
Nỗi lo lắng thường trực trong Vân hoàn toàn không phải là còn bao lâu thì chết, mà lại là làm sao kịp chết khi đôi mắt của cô vẫn lành lặn. Có như thế, cô mới trao tặng đôi mắt này cho một ai đó.
Họ là như vậy, đứng trước cái chết còn cố gắng tìm ra một ý nghĩa của sự sống, vậy thì chúng ta – những người đang nắm sự sống trong tay, có lý do gì để buông bỏ không? Hoàn toàn không, bạn thân mến.
Ý Nghĩa Của Sự Sống
Khao khát cống hiến cho cuộc đời
Liên khao khát được đi làm, được thể hiện mình là người mạnh mẽ và độc lập.
Vân khao khát được để lại một phần cơ thể cứu cuộc đời ai đó. Khi ấy, hiến tạng vẫn còn là điều xa lạ đối với gia đình, họ hàng, làng xóm nơi cô đang sống.
Thực ra, họ của lúc này, không có nhiều điều để làm với “cái chết” ngoài việc chấp nhận và chuẩn bị. Những người ngoài cuộc sẽ cảm thấy nuối tiếc cho một kiếp người. Nhưng có lẽ, ở phương diện của họ thì không hẳn. Dù ở đoạn đường cuối, họ vẫn có rất nhiều thứ để làm, trong đó, được sống và tiếp tục cống hiến, trao cơ hội sống cho người khác mới là điều mãnh liệt nhất.
Chứng kiến cuộc chiến đấu của họ, nghe những ước mơ của họ với cuộc đời, mỗi người trong chúng ta có tự hỏi – Điều tiếp theo mình sẽ làm là gì nhỉ?
Biết ơn cuộc đời
Một thời gian sau khi con trai qua đời, mẹ Hà của Nam trò chuyện với tác giả Đặng Hoàng Giang và chia sẻ rằng, chị cảm thấy may mắn khi Nam đã không phải đau đớn quá nhiều, vẫn có thể ăn uống và khá tỉnh táo. Nam đã nói được những điều cần nói với chị và chị cũng vậy.
Liên tin rằng, sự sống chính là điều may mắn. Liên kể lại câu chuyện của mình để làm sao mỗi người trong chúng ta đều cảm nhận được sự tuyệt vời của cuộc sống, để tiếp tục sống sao cho tốt.
Vân trong những ngày cuối cùng nằm trong căn phòng không ánh sáng tự nhiên, vẫn chầm chậm vượt qua cơn đau để viết thư cho 2 cô con gái nhỏ. Viết để các con của những năm tháng sau này hiểu được vì sao không còn mẹ và biết phải sống sao cho tốt.
Lòng biết ơn theo một cách nào đó đã giúp người cận tử, người thân của họ có thể tiếp tục sống. Và tuyệt vời hơn là dùng câu chuyện và hành động của chính mình để xây đắp cuộc đời thêm đẹp đẽ, thêm ý nghĩa.
Lòng biết ơn sẽ có thể tiếp tục giúp chúng ta sống. Sống bình an, khoẻ mạnh, sống có ý nghĩa.
Những Điều Còn Bỏ Ngỏ
*HIẾN TẠNG
“Giữa tháng Tư, bưu điện chuyển tới tờ đăng ký do Trung tâm Điều phối hiến tạng gửi vào. Nó nằm suốt trên đầu giường Vân. Vân chần chừ không ký, cô bị giằng xé giữa nguyện vọng cuối đời của mình và nỗi đau mà nó gây ra cho người thân”.
Hiến tạng vẫn còn là khái niệm khiến người ta e sợ. Bởi rằng họ không muốn, khi “đi sang thế giới bên kia” mà mình hay người thân của mình không lành lặn. Vậy nhưng, nếu có thể nhìn nhận ở một góc độ khác, liệu chúng ta có an lòng hơn? Rằng chí ít thì một phần cơ thể mình vẫn vẫn tồn tại trên cõi đời chân thực này, để ai đó được sống và cống hiến cho cuộc đời.
*HỖ TRỢ GIẢM ĐAU CHO NGƯỜI BỆNH
“Ở giai đoạn cuối, trọng tâm của các can thiệp không nằm ở chữa bệnh nữa, mà hướng tới việc giúp người bệnh có chất lượng sống cao nhất trong thời gian còn lại của họ”.
“Vài tháng sau, tôi có dịp được trò chuyện về chủ đề này với Eric Krakauer. Krakauer là phó giáo sư chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ của trường Đại học Havard và đã lăn lộn nhiều năm để giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này. Ông vẽ một bức tranh toàn cầu khiến tôi choáng váng: Kiểm soát đau được coi là một quyền con người, và morphine nằm trong danh sách các thuốc thiết yếu do Tổ chức Y tế Thế Giới WHO ban hành, nhưng 80% dân số Thế giới, thường tập trung vào các quốc gia nghèo, không nhận được các biện pháp giảm đau thích hợp. Các nước phát triển chỉ chiếm 17% dân số Thế giới nhưng tiêu thụ tới 94% tổng số thuốc opioid (thuốc có chất thuốc phiện) toàn cầu”.
Lời kết
Bạn thân mến,
Chủ đề này vốn dĩ cũng rất xa lạ với tôi, vừa đọc vừa khóc, tiếc nuối, đau lòng, e sợ,… đủ cả. Nhưng rồi khi cuốn sách gấp lại, lòng tôi chợt nhẹ nhõm. Nhẹ nhõm khi nghĩ về cái chết. Nhẹ nhõm khi xác định mục tiêu của sự sống mình đang có.
Tác giả Đặng Hoàng Giang cũng muốn truyền tải qua cuốn sách này, một góc nhìn trực diện về thứ chúng ta vẫn thường né tránh, gọi là “Cái Chết”, để rồi khi ta có được sự thanh thản trong tâm hồn, ta sẽ dũng cảm để sống hết mình trong tương lai.
Vì vậy, nếu có dịp, hãy cùng đọc nhé, bạn thân mến.
Thương gửi cậu,
Từ Thu.