Làm sao để trao và nhận lời khen mà mọi người đều vui?
Lời khen là điều tốt đẹp, nhưng khi trao đi, ta lo đối phương ngại, khi nhận lấy, ta cũng thấy ngại. Vì sao thế nhỉ?
Xin chào bạn thân mến,
Thời gian gần đây, tôi quan sát được đôi câu chuyện như thế này.
Ở trong lớp tập yoga hôm ấy, mọi người trầm trồ khen ngợi chị Mai vào động tác rất đẹp. Mọi người khuyến khích chị Mai kiên trì tập một thời gian nữa sẽ làm được động tác nâng cao hơn.
Chị Mai xua tay nói: “Có gì đâu chị ơi, bình thường ấy mà. Em càng tập càng thấy yếu đi đây, chẳng làm được khó hơn đâu.” Chị dứt lời, mọi người cũng không nói gì thêm rồi dần tản ra, trở lại với bài tập.
Một hôm nọ, Trinh được chị Phương khen công việc làm rất tốt. Trinh cười, thoáng chút ngại ngùng và nói cảm ơn chị.
Những tình huống kiểu vậy diễn ra hàng tá lần xung quanh chúng ta, chẳng có gì lạ, nhưng khi quan sát kỹ hơn, tôi chợt nhận ra những khác biệt dường như rất rất nhỏ.
Chúng ta dễ ngại ngùng, bối rối khi nhận lời khen, vừa cảm thấy vui đồng thời cảm thấy hoài nghi. Theo tâm lý học thì điều này gọi là bất hoà ý thức. Nó dẫn đến một trong hai phản ứng. Hoặc là phủ định và hạ thấp việc mình làm không có gì đáng kể. Hoặc là phủ định lời khen cho rằng nó chỉ là sự xã giao của đối phương. Không phải nhiều người làm được điều đơn giản như Trinh là đón nhận và cảm ơn người khen mình.
Thế nhưng, nếu bây giờ tôi tuyên bố, lời khen có sức mạnh to lớn, hoàn toàn có thể khiến chúng ta trở nên tốt hơn. Chắc hẳn cậu cũng thấy đúng như điều hiển nhiên thôi, phải không?
Vậy thì vì sao ta biết nó tốt mà ta lại ngại không dám nhận?
Bản thân tôi cũng mâu thuẫn y như vậy. Mình muốn dành lời khen cho người khác, nhưng đến khi mình nhận lời khen lại tự thấy ngượng. Nếu bản thân mình còn thấy như vậy, thì liệu những người nhận lời khen của mình có vui không nhỉ?
Những câu hỏi quanh quẩn chẳng có hồi đáp ấy dẫn tôi đến với chủ đề hôm nay. Nhìn nhận về sức mạnh của lời khen, làm sao để học cách trao và nhận lời khen mà tất cả đều vui lòng. Hãy cùng tôi đọc tiếp lá thư hôm nay nhé!
Sức mạnh của lời khen
Bạn thân mến, cậu biết không, lời khen gây ra cảm giác khó chịu vì chúng xung đột với nhận thức của ta về bản thân đấy. Bởi vì người ta đang công nhận giá trị ta tạo ra, nhưng chính ta lại chưa thể tự công nhận.
Hơn thế nữa, ta đã sống trên mạng xã hội quá lâu, ta phải chứng kiến quá nhiều lừa lọc, tiêu cực, nên vô tình ta đề phòng với cả những điều tốt diễn ra quanh mình. Cảm thấy như thể, những điều tốt chỉ là điềm báo cho chuyện xấu sắp xảy ra.
Bây giờ, chúng mình đơn giản hoá lại vấn đề như thế này xem có được không nhé.
Nếu lời khen là thật, mình nhận là đúng rồi.
Nếu lời khen là giả, mình không nhận. Vậy thì thôi.
Nếu không biết lời có giả không, thì mình không cần biết nữa, cứ nhìn vào ý nghĩa đơn thuần nhất được không?
Vốn dĩ lời khen là một điều tích cực. Cớ gì ta lại không dám nhận lấy, đúng không bạn thân mến?
Việc đón nhận lời khen sẽ giúp tăng sự tự tin bên trong chúng ta. Bởi lời khen của người ngoài như một lăng kính khác, soi chiếu từ những góc độ ta không thể nào biết. Nhờ thế mà mình có cơ hội “sửa chữa” lại những hoài nghi về bản thân. Khi nghĩ được như vậy, ta sẽ học cách cảm ơn lời khen thay vì phủ định.
Thực ra, tôi có một folder cất kĩ trong máy tính, lưu giữ toàn lời khen của các anh chị làm việc chung. Tôi không lấy đó làm tự cao, tôi lấy đó làm tự hào. Nhiều lần hoài nghi về năng lực, những lời khen từ 3 năm, 7 năm trước vẫn đủ sức nặng để nhắc tôi nhớ mình làm vì điều gì và vì sao mình còn kiên trì tới bây giờ. Tôi tin, ý nghĩa của lời khen nên là như vậy.
Bên cạnh những thay đổi bên trong chúng ta, lời khen cũng là một cây cầu nhỏ, giúp xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa.
Tạm loại trừ những người khen đểu ra trước nha, ứng phó với họ không phải mục đích của bài viết này. Hôm nay, mình chỉ muốn bàn về lời khen tích cực đúng bản chất của nó.
Khi nhận được lời khen thật sự từ những người xung quanh, việc gạt đi ngay có thể khiến đối phương thất vọng và trở nên ngại ngùng khi đưa ra những lời khen khác. Nhưng nếu cậu có thể nhận lấy, người khen sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn vì lời mình nói được người khác đón nhận.
Soi chiếu trong chính bản thân mình. Tôi nhận thấy, khi mình khen ai đó là mình thực lòng muốn tôn lên vẻ đẹp và điểm mạnh của họ. Nếu họ vui vẻ nhận nó, tôi cũng cảm thấy yên tâm và cũng cảm thấy mình có chút giá trị, vì giúp đối phương hiểu hơn về bản thân họ. Tôi nghĩ… bạn thân mến, nếu cậu vẫn còn e ngại mỗi khi nhận lời khen thì hôm nay hãy thử nghĩ khác một lần xem sao~
Cách cho và nhận lời khen
Bạn thân mến,
Sự thật là, nhiều khi muốn khen mà nói ra lời khen thì ngại quá, không mở miệng được. Rồi cũng sợ nói ra làm người nghe ngại luôn, nhỡ họ cảm thấy mình giả trân thì sao?
Ở góc nhìn của người khen…
tôi vẫn luôn thích câu nói xa xưa rằng “Của cho không bằng cách cho”. Biết cách nói lời khen sao cho khéo léo cũng là cả 1 nghệ thuật, để đôi bên đều thấy thoải mái.
Vậy thì,
Đối với người lạ, hãy khen một cách chân thành, ngắn gọn. Đối với người thân thì cần khen sao cho đặc biệt. Và với cả 2 đối tượng đều cần sự rõ ràng, đúng trọng tâm để đối phương hiểu đúng điều mình muốn gửi gắm.
Ta có thể khen tích cách, để đối phương thấy được ưu điểm của họ. Khen vẻ ngoài, để đối phương thấy tự tin hơn, nhưng điều này cần có giới hạn, tránh tạo một áp lực vô hình khiến họ chạy theo nhu cầu thể hiện quá mức. Hay ta khen vào quá trình phát triển, ghi nhận những gì người đó làm được, giúp đối phương vượt qua những giai đoạn nản lòng.
Ta cố gắng gửi tới họ sự chân thành và tích cực. Nếu họ chưa thể nhận ngay, cứ cho họ thêm thời gian. Đừng vì vậy mà tự hạn chế trao đi lời khen nhé!
Khi đặt mình vào góc nhìn của người nhận lời khen
Chắc hẳn chúng ta đều sẽ thấy ngại, không biết phải phản hồi sao.
Ví dụ cụ thể như này nhé: Khi được khen “Bạn làm tốt lắm”.
Cấp độ đơn giản nhất, ta cứ cần nói - Cảm ơn là đủ.
Cấp độ tốt hơn là cùng với lời cảm ơn ấy, ta chia sẻ về mình và ghi nhận đối phương. “Mình rất vui vì bạn đã thấy nó hữu ích”, “mình sẽ cố gắng thêm”, “chúng ta đều làm tốt rồi!”
Nhưng thực ra, việc đón nhận lời khen là thứ ta có thể tập luyện được, đối với tôi, có một điều tôi cho là sẽ quan trọng hơn nữa. Đó là sau khi nhận lời khen, ta có thể ngồi lại ngẫm nghĩ và soi chiếu. Lời khen đúng với mình ở đâu, mình sẽ phát huy thêm. Nếu có điểm nào mình chưa tốt như lời khen ấy, mình sẽ cải thiện dần.
Việc soi chiếu những thứ đến với mình, không chỉ là lời khen, mà cả là con người, là sự việc, là một cuốn sách, bộ phim,... đều có thể giúp mình thay đổi để trở nên tốt hơn. Đó là cách ta học những điều tốt đẹp từ những điều tốt đẹp.
Mặt hạn chế của lời khen
Bạn thân mến,
Một trong những bộ phim yêu thích của tôi là “Friends”, trong đó, có một chi tiết về nhân vật Joey. Anh đã theo đuổi sự nghiệp diễn viên nhiều năm, nhưng không thành công. Anh trượt casting liên tục, những bộ phim anh đóng vai chính bị huỷ quay. Khi tham gia diễn kịch, anh bị báo chí chê thậm tệ.
Xuyên suốt thời gian đó, bạn bè luôn nói “Anh làm được”, “Anh rất tốt”, “Anh hãy kiên trì”. Họ vẫn khích lệ anh ngay cả trong những thời điểm anh hoàn toàn không có thu nhập, không có bảo hiểm y tế. Thời gian qua đi, rồi những cơ hội cũng đến, anh được nhận một vai diễn đủ tốt để giúp anh có cuộc sống thoải mái hơn, bộ phim không còn nhắc nhiều tới sự nghiệp của Joey nữa.
Còn tôi thì cứ ngẫm nghĩ mãi về cách lời khen được trao đi như cách nhóm bạn trong “Friends” đã làm. Có phải lúc nào cũng động viên tích cực sẽ đúng? Khi nào ta nên khen ngợi, khi nào ta nên thẳng thắn? Giới hạn của những lời khen là gì để một người không chìm đắm trong suy nghĩ tích cực mà rời xa thực tế cuộc sống?
Xin dừng lại ở đây một xíu rằng, tôi chỉ sử dụng chi tiết này để đặt vấn đề và ngẫm thêm về cuộc sống của mình, suy nghĩ của tôi về lời khen như thế nào không phải sự phán xét lên nhân vật hay bộ phim.
Trở lại với cuộc trò chuyện của chúng ta. Quả thực không có giới hạn nào cho việc khen cả. Thế nhưng cũng giống thức ăn bổ dưỡng mà ăn quá nhiều cũng không tốt, ngay cả với lời khen, nếu đưa sai thời điểm, đưa quá nhiều, quá dễ dàng, cũng có những mặt hạn chế nhất định.
Lời khen có thể xây dựng niềm tin mù quáng vào những điều tốt đẹp
Mỗi khi tôi nhìn nhận một nhược điểm nào đó ở bản thân, bạn bè tôi sẽ thường động viên tôi. Điều đó thực sự có ý nghĩa, thật lòng đấy. Nhưng đôi khi, tôi cũng đánh giá lại, những lời khen ấy đủ để giúp tôi yên tâm, chứ không giúp tôi thay đổi. Sự yên tâm, ngược lại, có thể khiến chúng ta dễ dàng thoả hiệp với hoàn cảnh.
Tôi hoàn toàn không phải trường phái cực đoan, nhưng tôi cũng là kiểu người nghiêm khắc. Vì thế, tôi không muốn mình chỉ sống trong lời khen êm ái, mà tôi còn muốn sống trong hiện thực gai góc. Chúng ta động viên nhau, nhưng cũng có lúc phải cùng nhau đối diện với sự thật tốt và xấu để có thể trở nên tốt hơn.
Lời khen vô tình tạo ra những áp lực vô hình
Ở một khía cạnh hoàn toàn khác với ý trên, cậu có nghĩa là, khi ta luôn luôn được khen giỏi, ta dần không dám sai, không dám thua, không dám thừa nhận những điều mình không biết. Khi ta luôn được khen xinh, thì một hai cục mụn nổi lên trong kì kinh nguyệt cũng làm bạn càng thêm buồn phiền.
Lời khen đáng ra không nên trở thành những rào cản với chúng ta theo cách đó, cậu có nghĩ vậy không?
Khi không biết sợ, con người ta không thể bứt phá
Hồi học tiếng Anh, tôi có xem chương trình “The biggest loser”, một chương trình truyền hình thực tế của Mỹ. Họ tập hợp nhóm người bị béo phì, tiến hành các phương pháp giảm cân thông qua dinh dưỡng và tập luyện rất gian khổ, nhằm thi xem ai giảm được nhiều cân nhất sau mỗi tuần.
Một sự đối lập khá thú vị nằm ở 2 huấn luyện viên. Một người thường động viên tích cực kiểu - “Bạn làm tốt rồi!”, “Bạn hãy đánh thức sức mạnh của mình”.
Còn 1 người luôn chửi bới thậm tệ - “Nếu bạn không chịu được thì mời bạn đi về”, “Bạn thấy những gì diễn ra đáng sợ đúng không, tôi sẽ còn khiến bạn sợ hơn nữa”. Kết quả season đó, người chiến thắng nằm ở team bị chửi nhiều.
Đây là câu chuyện kể lại cho vui thôi, nhưng nó cũng khá gần với một suy nghĩ của tôi, rằng nếu mình biết sợ (trong ngưỡng chịu đựng của mình), mình sẽ bứt phá hơn.
Mình biết sợ bị mắng, nên mình cố gắng chỉn chu trong từng câu từ viết ra. Mình biết sợ thất bại, nên mình thận trọng trong từng quyết định và kiên trì với nó lâu hơn.
Có một câu tôi từng đọc được trên báo Elle Việt Nam là - Khi mình cảm thấy sợ cũng là lúc mình đang bước ra khỏi vùng an toàn. Vì thế, sợ hãi cũng có mặt tốt của nó. Việc đặt ra giới hạn khi tiếp nhận lời khen cũng là một cách để giữ lại đôi phần sợ hãi, thúc đẩy mình tiến lên.
Lời kết thư
Bạn thân mến,
Tôi hi vọng lá thư hôm nay như một buổi tán gẫu, chúng ta nói với nhau về một chuyện bình thường, quen thuộc trong cuộc sống. Tôi không có lời kết thật hay, nhưng tôi hi vọng có thể đã cổ vũ cậu một niềm tin nhỏ bé rằng, hãy tin tưởng bản thân, nếu cậu được nhận lời khen nào đó, hẳn là cậu cũng xứng đáng với nó. Có thể lời khen không phải thứ hoàn hảo đâu, nhưng ta sẽ từ từ soi chiếu từng chút, tìm thấy điều tốt đẹp trong những thứ lướt qua mình, vậy cũng tốt mà.
Thương gửi cậu,
từ Thu.